Headlines
Loading...
Linh mục bị chính quyền giam 17 năm không xét xử đã qua đời.

Linh mục bị chính quyền giam 17 năm không xét xử đã qua đời.

Cha Antôn Nguyễn Thanh Đương, nạn nhận của một thời khốn đốn đã qua đời.

Khi đang là chủng sinh của Tiền Chủng viện Xã Đoài vào năm 1962, một sự kiện đã xảy ra khiến ngài bị cấm tiếp tục theo học và phải về lại với gia đình. Đến năm 1966 ngài bị bắt giam không qua xét xử và bị tù đến năm 1983 mới được thả về. Sau đây là sự kiện xảy ra năm 1962, theo lời kể của một nhân chứng (xin tạm dấu tên).

“Đó là vào mùa hè 1962, khi nhà trường chuẩn bị tổng kết năm học để cho học sinh đi nghỉ hè, thì có một đoàn cán bộ tỉnh Nghệ An (Nghệ Tĩnh) vào gặp ban giám hiệu nhà trường. Sau đó, Cha Bề trên Vũ Duy Khiêm cho tập trung học sinh để cán bộ gặp. Họ ngỏ ý cho anh em đi tham quan Thủ đô Hà Nội. Họ tưởng học sinh sẽ vui mừng lắm, nhưng khi phát biểu ý kiến thì tất cả đều từ chối không muốn đi vì những người đi tu không muốn đến những nơi đô hội phù hoa. Từ chỗ mời đi không được, họ lại chuyển sang cưỡng ép bằng cách không cấp giấy “thông hành” cho chúng tôi về quê nghỉ hè. Nên nhớ hồi đó học sinh đến trường nhập học hoặc từ trường về quê đều phải xin giấy của chính quyền (dầu là người trong huyện). Ai không có giấy mà tự do đi-về đều bị bắt ngay! Chúng tôi lên chính quyền xã Nghi Diên xin cấp giấy phép đi nghỉ hè thì họ bảo phải đi tham quan Hà Nội đã khi về mới cấp. Với chiêu này, chúng tôi đành phải chấp nhận một cuộc tham quan bắt buộc.

Năm 1962, Tiểu Chủng viện Xã Đoài có 6 lớp học từ lớp 6 đến lớp 1. Quy định của trường là cứ tổng kết điểm hàng tháng, học sinh nào cao điểm nhất tháng ấy sẽ làm lớp trưởng tháng sau. Người đứng đầu lớp nhất sẽ chịu trách nhiệm thay mặt học sinh toàn trường khi có việc phải gặp bề trên. Thật chẳng may cho tôi là tháng cuối năm học 1962, tôi lại đứng đầu lớp và đương nhiên tôi phải đại diện cho học sinh toàn trường. Có lẽ vì thương tôi, sợ cán bộ hiểu lầm tôi là người chỉ huy và chịu trách nhiệm mọi công việc, nên Cha bề trên đã nói rõ với cán bộ lý do tôi làm “lớp trưởng” là như thế. Nhưng “vì thương nên vương lấy tội”, cán bộ lại vịn vào đó mà coi tôi như là người lãnh đạo đoàn tham quan. Đó là nguyên nhân của nhiều rắc rối mà sau này tôi phải gánh chịu!

Trên đường đi từ Nghệ An ra Hà Nội (không nhớ rõ ngày tháng), tất cả giữ im lặng, không ai nói chuyện riêng, có nhiều người lần hạt. Đó là thái độ học sinh muốn cho cán bộ thấy họ bị ép buộc và không hào hứng gì cuộc đi này.

Tới Hà Nội, chúng tôi được bố trí nghỉ tại trụ sở Ủy ban Liên lạc Công giáo. Ở đây có một nhà nguyện, nơi Cha Hồ Thành Biên sáng nào cũng dâng lễ. Cha Biên là chủ tịch UB Liên lạc Công Giáo. Điều làm cán bộ rất bực tức là mỗi buổi sáng, học sinh tổ chức đọc kinh chung tại phòng ngủ, đọc to, bên cạnh phòng Cha Biên đang dâng lễ, với mục đích phản đối một linh mục theo Cộng sản. Riêng cá nhân tôi, để tỏ thái độ không hào hứng việc tham quan, tôi đã cáo ốm nằm ở nhà, không đi tham quan bất cứ nơi nào suốt trong cả ba ngày ở Hà Nội. Và cũng vì thế tôi không rõ những gì đã xảy ra ở các địa điểm tham quan. Có lẽ cũng không có gì đáng nói, ngoại trừ thái độ thụ động của các anh em làm cán bộ không vừa lòng. Chỉ có một sự việc nổi trội anh em bàn tán xôn xao, đó là khi đoàn đến thăm trường Trưng Vương (một trường dành riêng cho nữ), bà hiệu trưởng ra bắt tay thì không học sinh nào bắt tay cả, với lý do người đi tu không cầm tay phụ nữ!

Sau ba ngày ở Hà Nội, chúng tôi được đưa về Nghệ An, vào một hội trường và cán bộ yêu cầu mỗi người viết một bản cảm tưởng. Kết thúc cuộc tham quan, chúng tôi mỗi người trở về địa phương. Sau đợt tham quan này là một cuộc thanh trừng hàng loạt, có lẽ 2/3 số học sinh không được trở lại trường, trong đó có tôi.

Về quê, tôi bị công an triệu tập liên tục để “hỏi tội” cầm đầu phá hoại cuộc tham quan. Ngày 09-06-1964, tôi bị bắt đi cải tạo và mãi đến ngày 09-10-1973 mới được thả về. Cùng lớp học với tôi và cùng bị bắt có anh Nguyễn Thanh Đương, anh Phan Đình Minh và anh Trần Tùng: anh Phan Đình Minh bị giam ở xà lim Yên Bái cho đến chết (1969) còn Nguyễn Thanh Đương và Trần Tùng sau được thả về và hiện là linh mục đang làm mục vụ ở các giáo xứ”.

(Ảnh chụp màn hình trên trang nhà của Giáo phận Vinh)
Xem thêm 1 số ảnh về Ngài tại đây: https://conggiao.vn/ai-tin-linh-muc-anton-nguyen-thanh-duong-gp-vinh-da-an-nghi-trong-chua/